Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh.
11-03-2020
Please wait...
Hôm nay: 22
Tổng lượt truy cập: 20,703
Nâng mức giảm trừ gia cảnh, sẽ có thêm hàng triệu người không phải nộp thuế TNCN.
Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đòng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Nguồn: internet
Theo dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đòng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam xoay quanh mức đề xuất này.
Phóng viên: Thưa bà, vừa qua Bộ Tài chính dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN, theo đó đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đòng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu ngân sách, việc điều chỉnh mức chịu thuế có ý nghĩa như thuế nào?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Trong luật thuế TNCN có quy định, khi giá cả thị trường có biến động trên 20% thì phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế TNCN. Vừa qua, căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ số tiêu dùng đã tăng trên 20%, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, do đó việc nộp ngân sách của doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn… việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế trong thời điểm này là rất phù hợp.
Với việc điều chỉnh này, khoảng 1 triệu người đang phải nộp thuế TNCN ở mức đầu tiên (bậc 1) sẽ không phải nộp nữa. Vì nếu như trước đây luật quy định mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng, nếu người nộp thuế có 2 người phụ thuộc là 7,2 triệu đồng (3,6 triệu đồng/người), thì tổng thu nhập là 16,2 triệu đồng. Điều này có nghĩa, cá nhân có thu nhập trên 16,2 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế TNCN. Nhưng theo đề xuất hiện nay, Bộ Tài chính nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người, điều này có nghĩa cá nhân có thu nhập trên 19,8 triệu đồng mới phải nộp thuế TNCN.
Với những người có thu nhập cao hơn, phải nộp thuế trong khoảng bậc 2 trở đi thì rõ ràng cũng sẽ rất có lợi khi số thuế TNCN phải nộp cũng sẽ giảm đáng kể do được nâng mức giảm trừ gia cảnh lên. Việc giảm thuế này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng cá nhân người nộp thuế sẽ được lợi vì được giảm mức điều tiết về thuế.
Có ý kiến cho rằng, nếu thu nhập 11 triệu đồng/tháng mà đã phải nộp thuế thì sẽ không đảm bảo cuộc sống. Với người phụ thuộc cũng vậy, mức 4,4 triệu đồng/tháng không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, chuyện học hành, khám chữa bệnh… Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Hiện nay cũng có người chưa hiểu đúng về thuế TNCN. Họ đang nghĩ thu nhập trên 11 triệu đã phải nộp thuế, như thế thì sống làm sao được, hoặc để nuôi một đứa con chỉ 4,4 triệu đồng với những người ở nông thôn thì có thể đảm bảo được, nhưng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì không thể đủ… Cũng phải làm rõ thêm rằng, mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật là mức chung, không phân biệt ở nông thôn hay ở thành phố. Mức giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ trước khi tính thuế TNCN cho bản thân người nộp thuế và những người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm phải nuôi dưỡng.
Mức giảm trừ gia cảnh này không phải mức để cho người nộp thuế và người phụ thuộc đủ sống, mà đây là tính trên cơ sở mức tiêu dùng tối thiểu.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng không có nghĩa cá nhân đó chỉ chi tiêu trong khoảng 11 triệu đồng, mà đây chỉ là mức được trừ trước khi tính thuế. Sau khi lấy tiền lương, tiền công trừ đi các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà người nộp thuế nộp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN. Trên cơ sở đó sẽ nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, thấp nhất là 5% và cao nhất là 35%. Phần còn lại sau thuế TNCN là của người nộp thuế.
Để dễ hiểu, lấy ví dụ, nếu một người có thu nhập tiền lương, tiền công 20 triệu đồng/tháng, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì người này không phải nộp thuế TNCN vì: Bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 2,1 triệu đồng (20 triệu đồng x 10,5%), mức giảm trừ gia cảnh 19,8 triệu đồng, tổng cộng là 21,9 triệu đồng. Do đó, không phải nộp thuế TNCN. Nếu thu nhập 22 triệu, thì sau khi đóng bảo hiểm bắt buộc, trừ giảm trừ gia cảnh 19,8 triệu đồng thì vẫn không phải nộp thuế. Như vậy, nếu cá nhân có nuôi dưỡng hai người phụ thuộc thì phải có thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng trở lên mới đóng thuế. Mà thuế TNCN của người thu nhập 23triệu đồng thì sau khi nộp bảo hiểm xã hội và giảm trừ gia cảnh chỉ nộp thuế TNCN là 39 nghìn 250 đồng/tháng.
Nếu thu nhập 30 triệu đồng/tháng, nộp bảo hiểm xã hội 3,129 triệu đồng ; giảm trừ gia cảnh cho 2 người (giảm trừ 19,8 triệu đồng), vậy thu nhập tính thuế là 30 triệu đồng – 3,129- 19,80 = 7,010 triệu đồng.
Mức thuế sẽ tính như sau: Bậc 1 (5 triệu đồng x 5%) là 250 nghìn đồng, bậc 2 [(7,071 – 5 tr) x 10%] là 207 nghìn đồng. Tổng tiền thuế phải nộp là 457 nghìn đồng. Điều này có nghĩa một cá nhân có thu nhập 30 triệu đồng, thì được chi tiêu cho bản thân đến 29 triệu 453 nghìn đồng, chứ không phải chỉ được tiêu 11 triệu đồng, 4,4 triệu đồng như nhiều người đang nghĩ.
Theo bà, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng có hợp lý không?
Mức đề xuất mà Bộ Tài chính đã đưa ra tương đối hợp lý. Vì mức tăng này là từ 9 triệu/tháng lên 11 triệu/tháng, tăng trên 22%. Theo quy định của Luật thuế TNCN năm 2012, thì chỉ số tiêu dùng tăng trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Nếu như mức giảm trừ gia cảnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thì mức giảm trừ gia cảnh này cao hơn rất nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, như theo ví dụ rất cụ thể trên đây, với một cá nhân có thu nhập 20 triệu đồng/tháng (thậm chí 22 triệu đồng) - mức thu nhập với người dân sống bằng tiền lương tiền công ở thành phố lớn thì bình thường, có thể sống với mức sống trung bình, nhưng với các tỉnh nông thôn, miền núi thì thu nhập như vậy là tương đối cao. Tuy nhiên, mức thu nhập này cũng không phải nộp thuế TNCN. Vì thế việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như đề xuất của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý.
Xin cảm ơn bà!